Trang chủ /Tài liệu kế toán - Thuế/Văn bản thuế mới nhất
Xử lý tiền nợ thuế giúp lành mạnh, minh bạch nền tài chính quốc gia
(04/10/2019)

Đó là quan điểm của đại biểu Quốc hội Trần Quang Chiểu, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội xung quanh dự thảo Nghị quyết xử lý tiền thuế nợ không còn khả năng nộp ngân sách.

Thưa ông, Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 đã có quy định về việc xoá nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt. Vậy, tại sao vẫn cần thiết phải có một nghị quyết xử lý tiếp vấn đề này?

Phạm vi điều chỉnh của Luật Quản lý thuế số 38 cũng giống như nội dung của dự thảo Nghị quyết sẽ được Chính phủ trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 10 này. Theo quy định của Luật Quản lý thuế số 38, thì chỉ được xử lý nợ thuế từ 1/7/2020 trở đi, còn những gì trước đó thì sẽ phải xử lý theo quy định của Luật Quản lý thuế năm 2006, 2012, 2014, 2016. Tuy nhiên, các quy định của Luật Quản lý thuế hiện hành lại không bao quát được các trường hợp cần xử lý nợ thuế. Cụ thể, Luật Quản lý thuế hiện hành không quy định việc khoanh nợ, trong khi việc thực hiện xóa nợ thuế đối với 3 nhóm đối tượng lại có nhiều bất cập. Đơn cử như trong quá trình sản xuất kinh doanh, nhiều DN chấm dứt hoạt động, nhưng không làm thủ tục phá sản. Do đó, cơ quan thuế không có hồ sơ để xử lý xóa nợ thuế theo quy định. Hay như trường hợp xóa nợ cho người nộp thuế đã chết, mất tích. 

Thực tế, khi cá nhân đã chết thì không xác nhận được người nộp thuế còn tài sản hay không. Kể cả, trường hợp còn tài sản, thì tài sản này thuộc quyền sở hữu chung của gia đình vợ hoặc chồng và các con và không thực hiện phân chia xử lý thừa kế theo quy định của pháp luật, dẫn đến tình huống không xác định được người nộp thuế còn tài sản để xử lý.

Một điểm quan trọng khác là, đối với trường hợp xóa nợ quá 10 năm, cơ quan thuế phải áp dụng tuần tự tất cả 7 biện pháp cưỡng chế, nhưng thực tế mới thực hiện được khoảng 3 bước (trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản tại các ngân hàng thương mại, thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng), thì DN xem như đã phá sản, giải thể, mất khả năng kinh doanh… nên không thể thực hiện tiếp các biện pháp cưỡng chế còn lại. Hơn nữa, đối với DN ngừng hoạt động kinh doanh 1 năm mà không thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế, thì cũng bị cơ quan đăng ký kinh doanh thu hồi giấy phép. Do vậy, cơ quan thuế không thể xử lý nợ theo quy định.

Ngoài ra, Luật Quản lý thuế hiện hành không bao quát đầy đủ các đối tượng cần khoanh nợ, xóa nợ thuế đối với các đối tượng không còn khả năng nộp NSNN, dẫn đến số nợ đọng thuế không có khả năng thu tăng cao. Có thể nhìn thấy điều này ở trường hợp người nộp thuế đã bỏ địa chỉ kinh doanh, bị thu hồi giấy phép kinh doanh, các trường hợp bị thiên tai, bất khả kháng hoặc nợ thuế do chưa được Nhà nước thanh toán.

Vì lý do đó, bên cạnh Luật Quản lý thuế số 38 có hiệu lực từ 1/7/2020, tôi cho rằng cần thiết phải ban hành Nghị quyết của Quốc hội để thực hiện việc khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không có khả năng nộp ngân sách.

Một trong những nguyên tắc quan trọng của dự thảo Nghị quyết đó là xử lý tiền thuế nợ nhằm tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế, nhưng phải phòng ngừa nguy cơ lợi dụng chính sách để trục lợi. Theo ông, những quy định về điều kiện, đối tượng cũng như các biện pháp xử lý được đưa ra trong dự thảo Nghị quyết đã đảm bảo nguyên tắc này?

Tôi hoàn toàn nhất trí với việc dự thảo Nghị quyết đưa ra 4 nguyên tắc xử lý tiền thuế nợ là: phải đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật, đúng đối tượng, đúng thẩm quyền và điều kiện quy định hồ sơ, quy trình, thủ tục; công khai, minh bạch, đảm bảo việc kiểm tra, giám sát; tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế, nhưng phải phòng ngừa và ngăn chặn việc lợi dụng chính sách để trục lợi; các trường hợp đã được xóa nợ, nếu cơ quan có thẩm quyền, cơ quan quản lý thuế phát hiện việc xóa nợ không đúng quy định, hoặc người nộp thuế khi quay lại sản xuất kinh doanh, hoặc thành lập mới thì phải hủy quyết định xóa nợ, khoanh nợ và nộp vào ngân sách khoản nợ đã được xóa. Đồng thời, với 7 đối tượng được đề xuất xử lý, dự thảo đã bao quát được hết phạm vi những đối tượng cần trong thực tiễn. Đây cũng là những đối tượng đã được quy định rõ trong Luật Quản lý thuế số 38.

Một vấn đề khác là, nguyên tắc tối cao trong xử lý nợ thuế nhằm đề cao trách nhiệm cá nhân. Chính vì thế trong dự thảo, cơ quan thẩm tra đã bổ sung nội dung xử lý trách nhiệm cá nhân và người ra quyết định xử lý nợ thuế cao hơn so với mức độ mà pháp luật hiện hành quy định. Ví dụ công chức làm sai, thì ngoài việc xử lý người cán bộ đó, thì phải xử lý cả trách nhiệm người đứng đầu. Hoặc để đảm bảo minh bạch, thì yêu cầu kiểm toán nhà nước hàng năm phải kiểm toán về vấn đề này. Hay yêu cầu trong trường hợp bất khả kháng, khi có quyết định xử lý nợ, nếu cơ quan thuế, cơ quan chức năng phát hiện không đúng, thì sẽ thu hồi lại quyết định xoá nợ thuế.

Có ý kiến cho rằng, việc dự thảo Nghị quyết chỉ xoá tiền chậm nộp, tiền phạt chậm nộp, còn nợ gốc vẫn khoanh lại, một mặt không làm thất thu ngân sách, mặt khác góp phần làm lành mạnh tài chính, bởi thực chất những khoản tiền thuế nợ đó là tiền ảo, chưa vào NSNN. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Việc xóa nợ đối với khoản chậm nộp, phạt chậm nộp không phải là mất tiền của ngân sách. Thực chất, đây là xóa nghĩa vụ của người nộp thuế, là khoản tiền trên danh nghĩa, không gây thiệt hại cho NSNN. Đó cũng là lý do cần thiết phải có một nghị quyết xử lý tiền thuế nợ trước ngày 1/7/2020 (thời điểm Luật Quản lý thuế số 38 có hiệu lực). Bởi nếu để tình trạng này kéo dài, sẽ không phản ánh thực chất tình hình tài chính vì ngoài số tiền nợ gốc, nợ thuế khó đòi chủ yếu là tiền phạt nộp chậm. Việc xóa nợ thuế là cần thiết cho việc bảo đảm cơ cấu ngân sách, góp phần lành mạnh, minh bạch tài chính quốc gia. 

Mặt khác, phải hiểu rõ ràng khoanh nợ gốc là để không phát sinh thêm tiền chậm nộp, tiền phạt chậm nộp để đảm bảo khách quan, minh bạch, đỡ gánh nặng theo dõi cho ngành thuế. Đồng thời, phản ánh đúng bản chất của các khoản nợ thuế, góp phần giúp cơ quan quản lý nắm rõ dữ liệu nợ để xây dựng dự toán thu, chi NSNN và các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô chuẩn hơn. Lần này trong dự thảo Nghị quyết, Chính phủ trình và cơ quan thẩm tra cũng đã đồng ý chỉ khoanh nợ gốc đến thời điểm 1/1/2020 để nếu thuộc đối tượng của Luật Quản lý thuế số 38, thì sẽ xử lý theo quy định của Luật này.

Ngoài những phân tích trên, ông có thêm đề xuất gì xung quanh việc xử lý tiền thuế nợ?

Dự thảo Nghị quyết đã quy định cụ thể thẩm quyền được xóa tiền thuế nợ, như Thủ tướng quyết định xóa nợ từ 15 tỷ đồng trở lên; Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định xoá nợ từ 10 - 15 tỷ đồng; Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quyết định xoá nợ từ 5 - 10 tỷ đồng; Chủ tịch UBND tỉnh xóa dưới 5 tỷ đồng… Tiền thuế là NSNN, nên cả người đề xuất lẫn người ra quyết định xử lý đều phải rất thận trọng. Với số tiền thuế nợ không còn khả năng nộp ngân sách rất lớn, đối tượng cần phải xử lý nhiều, trong khi người chịu trách nhiệm thì nhiều việc, nên có thể thành lập hội đồng tư vấn xử lý tiền thuế nợ, với thành phần bao gồm các cơ quan chuyên môn, chuyên gia độc lập, các đoàn thể, tổ chức. Mục đích là tranh thủ trí tuệ của nhiều người, nhiều cơ quan để tư vấn cho người đứng đầu trước khi ra quyết định. Việc thành lập hội đồng tư vấn không bắt buộc, mà tùy thuộc vào nhu cầu của từng nơi và người đứng đầu.

Ngoài ra, cũng cần lưu ý thêm về tên gọi, cũng như hiệu lực của Nghị quyết, nghĩa là không cần bắt buộc phải trong 3 năm như dự thảo, mà có thể kéo dài cho đến khi xử lý xong.

Xin cảm ơn ông!

 

Liên hệ với PPI Việt Nam để được hỗ trợ:

Công ty TNHH Dịch vụ và tư vấn thuế PPI Việt Nam

Địa chỉ: Tầng 3 tòa nhà Đồng Tâm, Ngõ 21 đường Lê Văn Lương, Thanh Xuân, Hà Nội

Hotline: 0964.787.599 - 0907.847.988 

Email: info@ppivietnam.vn

Website: www.ppivietnam.vn

 

Bài viết cùng danh mục
Copyright 2019 © PPI Việt Nam
ĐẠI LÝ THUẾ PPI VIỆT NAM

TRỤ SỞ CHÍNH HÀ NỘI:

Cơ sở 1 tại Cầu Giấy: Tầng 12 Tòa nhà Eurowindow Multi Complex số 27 Trần Duy Hưng, Trung Hòa, Cầu Giấy - Hà Nội

Cơ sở 2 tại Thanh Xuân: Tầng 12 - Tòa nhà Diamond Flower, 48 Lê Văn Lương, Thanh Xuân, Hà Nội

Cơ sở 3 tại Hà Đông: Tầng Dịch Vụ Tòa A Chung cư sông Nhuệ, P.Kiến Hưng, Hà Đông - Hà Nội

CN NAM ĐỊNH: 106 Nguyễn Khánh Toàn, khu đô thị Bãi Viên, TP.Nam Định

CN HẢI DƯƠNG: 45C Phố An Ninh, P.Quang Trung, TP.Hải Dương

Hotline: 0964.787.599

Website: www.ppivietnam.vn

Email: ktppivietnam@gmail.com

   
Lượt truy cập: 144046704
Số người đang xem: 6